Sau gần 400 năm bị thất truyền, gốm Chu Đậu đã được hồi sinh. Ở giai đoạn đầu, khó khăn lớn nhất chính là làm sao khôi phục được dòng gốm danh tiếng một thời khi chỉ có những hiện vật được trục vớt.
Trong khi đó, gốm Chu Đậu có nhiều nét đặc trưng riêng biệt như: màu men, hoa văn, hoạ tiết… mà không dòng gốm nào có được. Với quyết tâm khôi phục bằng được dòng gốm cổ, các nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hoà, Hải Dương… bắt tay vào nghiên cứu, phục chế và thiết kế những sản phẩm mới để đưa ra thị trường.
Gốm Chu Đậu là thành quả chắt lọc từ những nghiên cứu rất kỹ về mỹ thuật và kỹ thuật của các nghệ nhân làm gốm xưa. Các nét vẽ trên gốm Chu Đậu không bị gò bó, khuôn phép như các dòng gốm cổ Trung Quốc mà tự do, bay bổng, mềm mại, hiền hoà nên có tính lãng mạn rất cao.
Men gốm Chu Đậu cũng là nước men rất đặc biệt mà không nơi nào có. Bởi nó được chiết xuất hoàn toàn từ tro vỏ trấu nếp cái hoa vàng, không sử dụng chì hay hoá chất để pha trộn nên cho ra nước men rất lạ. Đây cũng là dòng men đã được xác lập “kỷ lục độc bản” Việt Nam và được cả thế giới ngợi ca về độ bền cũng như giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Do đó, để khôi phục được dòng gốm này hàng chục nghệ nhân đã phải mày mò nghiên cứu ròng rã hơn 10 năm trời.
Qua nhiều hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu đánh giá gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, giàu bản sắc dân tộc. Gốm Chu Đậu đẹp về bố cục, phong phú về màu sắc và đa dạng về thể loại. Để làm một sản phẩm gốm Chu Đậu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.
Có lẽ vì lý do này mà người dân ở xã Thái Tân vẫn thường truyền nhau câu thơ: “Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ họa”. Đây chính là những điều quan trọng nhất để làm dòng gốm “Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”…
Nguyên liệu để làm ra gốm Chu Đậu đó là đất sét trắng được chọn lọc kỹ càng từ vùng Trúc Thôn (Chí Linh). Sau khi lấy về, đất sét sẽ được hòa trong nước và được lọc qua hệ thống máng dẫn, bể ngắn. Quá trình lắng lọc sẽ tạo ra hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, sau đó được phối luyện thành hồ gốm.
Từ đây, gốm Chu Đậu sẽ được những đôi bàn tay của các nghệ nhân nhào nặn, gọt giũa hình hài. Hoa văn, hoạ tiết trên gốm Chu Đậu cũng rất tự nhiên, mềm mại. Các tác phẩm vẽ trên gốm chủ yếu thể hiện phong cảnh thiên nhiên hoặc phản ánh đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của làng quê Việt.
Đặc biệt hơn, những hoạ tiết trên gốm Chu Đậu được áp dụng bằng phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau. Cũng chính vì lý do này mà màu sắc của gốm Chu Đậu mang nét riêng biệt khó bị hoà lẫn trong muôn vàn dòng gốm cổ khác.